XÃ ĐĂK MÔN, HUYỆN ĐĂK GLEI THỰC HIỆN PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA”

XÃ ĐĂK MÔN, HUYỆN ĐĂK GLEI THỰC HIỆN PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA”

    Ths. Nguyễn Thị Phương Thảo

    GV Khoa Nhà nước và Pháp luật

    Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là phong trào mang tính toàn dân, toàn diện và sâu sắc về mặt xã hội, bao quát nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, được ví như một luồng gió mới tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội, trở thành phong trào tổng hợp gắn kết chặt chẽ các ngành, lĩnh vực; được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng thực hiện. Qua đó, đã xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, các truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc, nhất là của đồng bào dân tộc thiểu số được gìn giữ và phát huy; nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan đã được loại bỏ, tạo sự gắn bó keo sơn, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

    Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được cấp ủy, chính quyền xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết đáng ghi nhận.

      Về công tác chỉ đạo, triển khai phong trào: Ban chỉ đạo phong trào xã đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phong trào nhằm thực hiện đúng thời gian, đảm bảo chất lượng nội dung; chủ động tham mưu cho Đảng uỷ lãnh, chỉ đạo các ngành, đoàn thể không ngừng đổi mới, cải tiến nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động giúp phong trào phát triển bền vững.

    Về công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị - tư tưởng: Thực hiện tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước kết hợp các nội dung của địa phương, trong năm 2023 đã phối hợp tuyên truyền 12 buổi với số lượng người tham gia là: 1.155 lượt người. Công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, truyền thống yêu nước, bồi dưỡng đạo đức, lối sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh; đấu tranh chống các biểu hiện phi văn hóa, suy thoái đạo đức, lối sống thông qua các loại hình tuyên truyền, giáo dục đa dạng, phong phú: Sinh hoạt cộng đồng, tuyên truyền trên pa nô, áp phích, khẩu hiệu... Qua đó, góp phần làm chuyển biến nhận thức, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc như: Tinh thần tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm, giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa, xóa bỏ dần những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố hệ thống chính trị trên địa bàn xã ngày càng vững mạnh. 

    Về tổ chức thực hiện các phong trào: Các phong trào thi đua nhận được sự đồng tình hưởng ứng của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn xã, từ các phong trào đã bình chọn ra được những điển hình tiên tiến để khen thưởng, biểu dương vào các dịp tổng kết cuối năm đã  tạo ra sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Công tác bình xét, công nhận các danh hiệu đảm bảo tính khách quan, công bằng, chính xác và công khai, tổng số hộ đạt “Gia đình văn hóa” năm 2023: 1.590/1.708 hộ, trong đó: đạt 1 năm là 769 hộ, đạt 2 năm là 409 hộ, đạt 3 năm là 412 hộ. Hoạt động thể dục, thể thao được tổ chức dưới nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện của xã, từ đó thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện và thi đấu; trong các thôn vẫn duy trì khá tốt các môn thể thao thế mạnh của mình; có hơn 900 người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. Phong trào thi đua lao động sáng tạo được phát động mạnh mẽ trên các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực ở cơ quan, đơn vị và trong Nhân dân.

    Về thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật: Việc xây dựng quy ước, hương ước các thôn, làng văn hóa, được triển khai thường xuyên, nội dung quy ước được xây dựng phù hợp với pháp luật hiện hành và tình hình thực tiễn của cơ sở, có tính thống nhất chung và mang tính tự nguyện cao. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy trong việc đề ra các nội dung, biện pháp xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư trong hương ước. Đến nay đã có 12/12 thôn xây dựng và bổ sung hương ước, đồng thời người dân đã thực hiện tốt hương ước của thôn, làng, 100% người dân trên 12 thôn đều thực hiện tốt và không có trường hợp vi phạm hương ước. Việc tổ chức các lễ hội, việc cưới, việc tang của Nhân dân trên địa bàn xã đảm bảo nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật. Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc như cồng chiêng, dệt thổ cẩm được duy trì thực hiện.

    Về xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao: Toàn xã có 12/12 thôn đều có nhà rông, trong đó 05 nhà rông sử dụng vật liệu hiện đại và 07 nhà rông sử dụng vật liệu truyền thống, các nhà rông đều sử dụng để tổ chức các hoạt động văn hóa - chính trị của thôn như: Lễ mừng lúa mới, tổ chức các buổi hội, họp thôn, tuyên truyền, triển khai cho nhân dân các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trên địa bàn xã có 07 sân bóng đá và 1 sân Mi ni cỏ nhân tạo, có 15 sân bóng chuyền, trong đó có 06 sân bóng chuyền đã được bê tông hoá; 01 Bưu điện văn hóa xã; 01 Thư viện trường tiểu học; 01 thư viện trường THCS xã Đăk Môn. 12/12 thôn có đội văn nghệ, 10 bộ cồng chiêng. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đã thực sự phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, được người dân nhiệt tình hưởng ứng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

    Để đạt được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo của thường trực Đảng ủy, sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban nhân dân xã; các thành viên Ban chỉ đạo phong trào, cán bộ phụ trách phong trào đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, phát huy và tập trung mọi nguồn lực phục vụ hoàn thành các nhiệm vụ của Đảng, nhà  nước và của cấp trên giao. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia hưởng ứng, qua đó đã huy động mọi nguồn lực của Nhân dân tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội đảm bảo an ninh, trật tự; phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương  ái làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu trong mỗi gia đình và cộng đồng khu dân cư; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo nền tảng tư tưởng vững chắc.

    Bên cạnh những thành tích đã đạt được, việc thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại xã Đăk Môn còn những khó khăn, hạn chế nhất định: việc triển khai tổ chức hoạt động vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong công tác vận động đông đảo quần chúng tham gia. Ý thức chấp hành pháp luật, nếp sống văn minh đô thị, vệ sinh môi trường của một bộ phận người dân còn hạn chế. Chưa phát huy được ý thức tự nguyện, tự giác của các tầng lớp Nhân dân; chưa phát huy được tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo và năng lực tự quản khai thác các nguồn lực cộng đồng, để phong trào phát triển thực chất và bền vững. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể  dục thể thao ở các khu dân cư tổ chức chưa được thường xuyên và liên tục, chưa ngang tầm với nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Một số thôn, làng thiếu khu vui chơi giải trí cho thanh thiếu niên.

    Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế trên là dó một bộ phận người dân chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; nhận thức về mục tiêu, tác dụng của phong trào còn thiếu thống nhất; kinh phí chi cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao còn hạn chế; một số thôn do không có quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở các thôn, làng như sân bóng đá.

    Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei cần thực hiện một số giải pháp sau:

    Thứ nhất, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào: Thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

    Bố trí quỹ đất, tập trung đầu tư các nguồn lực xây dựng hạ tầng thiết chế văn hóa từng bước đạt chuẩn, tái đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí,đi đôi với đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội khác trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

    Hỗ trợ một phần kinh phí ngân sách Nhà nước cấp để xây dựng, đầu tư trang thiết bị cho thiết chế văn hóa ở thôn, làng, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Huy động nguồn xã hội hóa từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ cho các hoạt động của phong trào.

    Đổi mới công tác đánh giá phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, không chỉ căn cứ vào những con số, tỷ lệ, mà còn phải căn cứ vào những đánh giá cụ thể. Chủ động đôn đốc, kiểm tra, phát hiện và khắc phục kịp thời hạn chế. Tổ chức việc kiểm tra, đánh giá hoạt động của ban chỉ đạo và đánh giá công tác triển khai, từ đó ban hành những chủ trương, cơ chế, chính sách, biện pháp sát hợp với thực tế của xã.

    Thứ hai, về công tác tuyên truyền, vận động: Tập trung đổi mới công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa và nhân tố con người đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như nâng cao nhận thức, tính tự nguyện của cộng đồng, phát huy vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

    Đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và xây dựng văn hóa công sở. Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác gia đình và giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, hướng đến xây dựng văn hóa ứng xử, giao tiếp văn minh trong mỗi gia đình, dòng tộc, cộng đồng dân cư và các công sở, tạo chuyển biến tích cực trong văn hóa, góp phần quan trọng vào sự phát triển của xã hội.

    Thứ ba, tổ chức thực hiện, xây dựng mô hình hay, cách làm hiệu quả: Lồng ghép các nhiệm vụ của phong trào vào các phong trào thi đua yêu nước khác của các ban, ngành, đoàn thể; gắn kết chặt chẽ và phát huy vai trò của phong trào với phát triển văn hóa nông thôn, song hành với xây dựng nông thôn mới, huy động mọi nguồn lực và tập trung đầu tư cho văn hóa ngang tầm với đầu tư trong các lĩnh vực khác, tạo đà cho sự phát triển của văn hóa.

    Đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thôn, làng văn hóa đi vào chiều sâu, chất lượng; nâng cao nhận thức và ý thức tự nguyện, tự giác của các gia đình trong xây dựng gia đình văn hóa; ý thức trách nhiệm của người dân và năng lực tự quản cộng đồng ở khu dân cư trong quá trình xây dựng, giữ vững danh hiệu thôn, làng văn hóa. Tổ chức tốt việc bình xét, công nhận, biểu dương, khen thưởng gia đình văn hóa bảo đảm công khai, dân chủ đạt hiệu quả thực chất, khắc phục “bệnh hình thức”, thiếu chiều sâu.

    Xây dựng cơ quan, đơn vị sự nghiệp đạt chuẩn văn hóa phải đảm bảo chất lượng, không chạy theo số lượng, cơ quan, đơn vị, sự nghiệp đạt chuẩn văn hóa phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu nhà nước giao, thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị, văn hoá công sở. 

    Xây dựng và phát động phong trào “Người tốt, việc tốt” gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xây dựng con người có đủ phẩm chất về tư tưởng, đạo đức, lối sống và nhân cách văn hóa, đáp ứng yêu cầu từng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. 

              Tăng cường công tác quản lý các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá, bài trừ các loại văn hoá phẩm phản động, độc hại, và sự xâm lăng văn hóa của các thế  lực thù địch. Đồng thời triển khai có hiệu quả “Quy chế thực hiện nếp sống văn  minh”, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong các hoạt động văn hoá, kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, an toàn, văn minh.

    Ứng dụng công nghệ thông tin và các ứng dụng trên nền tảng mạng xã hội nhằm lan tỏa các giá trị tốt đẹp và nhân rộng những mô hình hoạt động hiệu quả của các địa phương trong xây dựng văn hóa, con người với những giá trị nhân văn cốt lõi như những tấm gương bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, thôn trưởng hay các hạt nhân gia đình văn hóa tiêu biểu; có các chế độ đãi ngộ để tạo động lực thúc đẩy những cá nhân tiêu biểu tiếp tục cống hiến cho cộng đồng. Nâng cao hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa, tạo sân chơi lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng con người phát triển toàn diện; gia đình hạnh phúc, tiến bộ.

    Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ tham gia tổ chức thực hiện phong trào, huy động người có uy tín, chức sắc tôn giáo tham gia. Nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ làm văn hóa. Tổ chức tập huấn về xây dựng đời sống văn hóa và công tác gia đình; tập huấn trực tiếp về thực hành nghi lễ truyền thống dân gian. Nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong triển khai, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; từng thành viên Ban Chỉ đạo được phân công phụ trách địa bàn tăng cường theo dõi, đôn đốc việc thực hiện phong trào.

    Thứ năm, sơ kết, tổng kết; thi đua, khen thưởng. Định kỳ sơ kết, tổng kết phong trào qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra những mục tiêu, giải pháp phát triển phong trào trong thời gian tiếp theo. Động viên khen thưởng kịp thời các đơn vị, tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

    Tuy còn có hạn chế, nhưng những kết quả đạt được đã khẳng định Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một phong trào thiết thực, hiệu quả mang ý nghĩa xã hội to lớn đối với xã Đăk Môn, cũng như với huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Phong trào góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong Nhân dân, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng đi vào thực chất và lan tỏa sâu rộng, góp phần xây dựng cuộc sống văn minh, hiện đại.

     

     

     

     

     

    Danh mục
    Tin nổi bật
    Tin liên quan
    zalo
    Hotline