Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta

    Tác giả bài viết: Ths. Nguyễn Anh Định - Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật

          Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta xuất phát từ vai trò của nhà nước pháp quyền trong kiến tạo một phương thức quản lý xã hội dân chủ và khoa học. Qua các kỳ đại hội của Đảng, từ Đại hội VII đến nay Đảng ta luôn nhất quán chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
          1. Một số thành tựu và hạn chế trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay
          Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân được củng cố và mở rộng, phương thức dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp từng bước được hoàn thiện, qua đó đã phát huy vai trò tích cực, chủ động của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, quản lý xã hội. Hệ thống pháp luật Việt Nam đã được xây dựng ngày càng hoàn thiện, đầy đủ và phù hợp hơn; công tác tổ chức thực hiện pháp luật đã có nhiều tiến bộ, cơ bản bảo đảm pháp luật được thực thi đầy đủ, nghiêm minh trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước và đời sống xã hội. Bộ máy nhà nước được sắp xếp ngày càng tinh gọn, gắn với tinh giản biên chế; hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn trước. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp trên một số lĩnh vực có nhiều bước đột phá. Nền hành chính quốc gia đã được cải cách theo hướng phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp. Tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp, như tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan bổ trợ tư pháp tiếp tục được kiện toàn, chất lượng hoạt động có tiến bộ, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và doanh nghiệp. “Hoạt động của Quốc hội trong việc thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cáo có nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả được nâng cao”[1]. Cơ chế giám sát và phản biện xã hội bước đầu phát huy hiệu quả trong việc góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước. Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong và bên ngoài được tăng cường. Có thể nói, từ sau Hiến pháp năm 2013 đến nay, từ nhận thức đến tổ chức thực hiện, kiểm soát quyền lực đã được coi trọng, góp phần làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước... Những kết quả này được Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; bảo đảm thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”[2].
          Tuy nhiên công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong những năm qua cũng còn một số hạn chế, bất cập mà Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng chỉ ra cần phải khắc phục “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới”[3], cụ thể: “Vấn đề đổi mới đồng bộ, phù hợp giữa kinh tế với chính trị, văn hóa, xã hội, giữa đổi mới kinh tế với đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước có một só mặt còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ. Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiệm; kỷ cương phép nước có nơi, có lúc còn bị xem nhẹ, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương chưa đổi mới mạnh mẽ; chức năng, nhiệm vụ phân cấp, phân quyền chưa thật sự rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động còn hạn chế...”[4]
          2. Định hướng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân
          Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định rõ quan điểm “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”[5] ở nước ta giai đoạn 2021 – 2030. Hướng tới “xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước; tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội” bằng các định hướng cụ thể sau:
          Một là phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ rõ: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”.
          Hai là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật. Trong đó, phải quán triệt những quan điểm có tính nguyên tắc là bảo đảm sự phù hợp giữa ý chí chủ quan với yêu cầu khách quan trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; bảo đảm tính dân chủ, pháp chế, khoa học trong xây dựng pháp luật; bảo đảm tính hiệu quả của việc điều chỉnh pháp luật; đồng thời phải bảo đảm sự tương thích giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế mà Nhà nước đã tham gia ký kết hoặc gia nhập. “Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đánh của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”[6].
          Ba là tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Trong đó, “tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”;  “tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao”[7]; “xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch”[8]; “xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”[9]; “xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước”[10].
          Bốn là xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước”[11].
          Năm là tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực khác. “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn. Kết hợp chặt giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí, không có vùng cấm, không có ngoại lệ...”[12].
          Sáu là đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cần tiếp tục “xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng...”[13]; tiếp tục nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ.
    Tóm lại, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải thực hiện đổi mới đồng bộ trên nhiều mặt. Chính vì vậy ngoài việc xác định các định hướng, chủ trương đúng đắn cần phải có kế hoạch và bước đi thích hợp. Điều quan trọng nhất là sự thống nhất trong nhận thức và hành động, cũng như quyết tâm xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân của cả hệ thống chính trị; đó chính là cơ sở để từng bước xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

     



    [1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011,  tr.72.
    [2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011,  tr.71.
    [3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011,  tr.89.
    [4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tr.90.
    [5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tr.174.
    [6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tr.175.
    [7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tr.175.
    [8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tr.176.
    [9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tr.177.
    [10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tr.174-175.
    [11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tr.178-179.
    [12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tr.193-194.
    [13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tr.180.

    Danh mục
    Tin nổi bật
    Tin liên quan
    Giới thiệu Chi đoàn TNCS HCM trường Chính trị tỉnh Kon Tum

    Giới thiệu Chi đoàn TNCS HCM trường Chính trị tỉnh Kon Tum

    Giới thiệu Chi đoàn TNCS HCM trường Chính trị tỉnh Kon Tum
    Truyền thống 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Kon Tum

    Truyền thống 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Kon Tum

    Truyền thống 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Kon Tum
    Đại hội Đảng bộ trường Chính trị tỉnh Kon Tum lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025

    Đại hội Đảng bộ trường Chính trị tỉnh Kon Tum lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025

    Đại hội Đảng bộ trường Chính trị tỉnh Kon Tum lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025
    Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Kon Trang Long Loi, huyện Đăk Hà

    Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Kon Trang Long Loi, huyện Đăk Hà

    Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Kon Trang Long Loi, huyện Đăk Hà
    zalo
    Hotline