CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ CẤP XÃ TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI Ở CÁC XÃ BIÊN GIỚI HUYỆN NGỌC HỒI, TỈNH KON TUM

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ CẤP XÃ TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI Ở CÁC XÃ BIÊN GIỚI HUYỆN NGỌC HỒI, TỈNH KON TUM

    Ths. Nguyễn Thị Hồng Chuyên

    GV Khoa Xây dựng Đảng

    1. Đặt vấn đề

    Ngọc Hồi là huyện miền núi, vùng biên giới nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Kon Tum với diện tích tự nhiên 83.936,22 ha, chiếm 8,6% diện tích toàn tỉnh, quy mô dân số toàn huyện 59.345 người với 17 dân tộc anh em cùng sinh sống tại 8 xã, thị trấn với 68 thôn, làng, Tổ dân phố, trong đó: có 5 xã biên giới tiếp giáp với nước CHDCND Lào và Vương Quốc Campuchia gồm: Sa Loong, Pờ Y, Đak Xú, Đak Dục, Đak Nông. Đây là một trong ba vùng động lực của tỉnh với nền kinh tế- xã hội (KT-XH) có bước phát triển năng động; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại, giao lưu được tăng cường, mở rộng; mối quan hệ hợp tác toàn diện, hữu nghị, có chung đường biên giới với tỉnh Attapư (Lào) và tỉnh Ranatakiri (Campuchia), là đầu mối về giao lưu kinh tế quan trọng trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh Kon Tum.

    Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) cấp xã vùng biên giới là một tổ chức hoạt động tại cấp xã, có nhiệm vụ đại diện và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ ở các xã biên giới. Đây là một bộ phận của cấp tổ chức của Hội LHPN ở địa phương, thường hoạt động chặt chẽ với cơ quan chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội khác để thúc đẩy sự phát triển và cải thiện điều kiện sống cho phụ nữ trong khu vực biên giới. Hội LHPN cấp xã vùng biên giới luôn phát huy tốt vai trò của mình trong phát triển KT-XH, góp phần bảo đảm tư tưởng của phụ nữ ở khu vực vùng biên giới luôn ổn định, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; có ý thức trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; tích cực tham gia hoạt động Hội, phong trào thi đua do các cấp, các ngành tổ chức, phát động.

    1. Vai trò của Hội LHPN cấp xã trong phát triển KT-XH ở các xã biên giới huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum

    Vai trò của Hội LHPN cấp xã trong phát triển KT-XH từ trước đến nay tại các xã biên giới của huyện Ngọc Hồi luôn được quan tâm, coi trọng và đánh giá cao. Vai trò rõ nét nhất của Hội LHPN ở các xã biên giới huyện Ngọc Hồi là tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện các chính sách, tuân thủ nội quy, quy định, chấp hành luật pháp và tham gia cùng Bộ đội biên phòng quản lý đường biên, mốc quốc giới; Tăng cường công tác phát triển kinh tế; Hỗ trợ, giúp đỡ thành lập nhóm, Hội tổ hợp tác, các mô hình trong cộng đồng. Tăng cường tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ các gia đình yếu thế như mẹ đơn thân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, người già neo đơn, gia đình có người bị bệnh hiểm nghèo, …; Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống các hoạt động vi phạm biên giới, buôn lậu, di cư trái phép, mua bán người (nhất là phụ nữ, trẻ em) qua biên giới. Tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm, nâng cao cảnh giác không để kẻ xấu lôi kéo, kích động gây mất đoàn kết quân dân, đoàn kết dân tộc. Vận động hội viên không tham gia hoạt động tôn giáo trái pháp luật, xóa bỏ các tập quán có hại, các tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa; Tiếp tục nhân rộng mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật, mô hình phụ nữ tham gia tự quản đường biên, mốc giới và giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới như tuyên truyền tập trung vào các nội dung: Luật Biên giới quốc gia, Hiệp định biên giới Việt Nam - Lào, Quy chế biên giới, Luật phòng chống ma túy, Luật phòng, chống mua bán người...  Chú trọng nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, vận động an ninh biên giới cho đội ngũ cán bộ hội cơ sở các xã biên giới. Chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trong tình hình mới”. Duy trì hoạt động hiệu quả của các tổ phụ nữ bảo vệ đường biên, cột mốc giới, trong đó mỗi thành viên là một tuyên truyền viên trong việc phát hiện, tố giác tội phạm.

    1. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc phát huy vai trò của Hội LHPN cấp xã trong phát triển KT-XH ở các xã biên giới huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum
      1. Các yếu tố ảnh hưởng tích cực
    • Chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước: Hội LHPN ở các xã vùng biên huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum hiện được hỗ trợ rất nhiều chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo, cung cấp hỗ trợ tài chính, pháp lý, khuyến khích và hỗ trợ, cùng các cơ hội hợp tác và đối thoại, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát huy vai trò của Hội LHPN cấp xã trong phát triển KT-XH. Các chương trình, chính sách có ảnh hưởng đến việc phát huy vai trò của Hội LHPN ở các xã biên giới như: chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; nông thôn mới; phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi; đồng hành cùng phụ nữ biên cương, … đã đem lại nhiều lợi ích cho việc phát huy vai trò của Hội LHPN ở các xã vùng biên giới của huyện Ngọc Hồi.

    - Lực lượng cán bộ của Hội: Số lượng, trình độ, năng lực cán bộ trong Hội ở các xã vùng biên giới là yếu tố vô cùng quan trọng giúp cho vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định với vị thế trong phát triển KT-XH tại địa phương. Các cán bộ Hội LHPN cấp xã ở vùng biên giới đa số là lực lượng trẻ, có kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về vấn đề địa phương, bao gồm cả tình hình KT-XH, văn hóa, và các vấn đề đặc biệt ở các vùng biên giới, sự hiểu biết sâu sắc này giúp họ đưa ra các giải pháp phù hợp và hiệu quả cho việc phát triển KT-XH trên địa bàn, giúp quá trình thực hiện nhiệm vụ, xây dựng mối quan hệ và thu thập thông tin từ cộng đồng một cách thuận lợi giúp phát huy được vai trò của Hội được tốt hơn trong thời gian qua.

    - Sự liên kết, phối hợp giữa cơ quan trong bộ máy chính quyền: Hội LHPN cấp xã vùng biên giới của huyện Ngọc Hồi có mối liên kết với nhiều ban ngành đoàn thể trong bộ máy tổ chức chính trị xã hội, là thành viên của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ các xã biên giới và hướng dẫn chỉ đạo của Hội LHPN huyện Ngọc Hồi. Hội LHPN ở vùng biên giới nơi đây thường phối hợp với nhiều tổ chức và cơ quan khác nhau để thúc đẩy phát triển KT-XH, hợp tác với cơ quan chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng địa phương đặc biệt là đơn vị công an, bộ đội biên phòng tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ, vận động chồng con chấp hành tốt công tác bảo vệ an ninh biên giới, chống xâm canh, xâm cư sang các nước bạn Lào, Campuchia và phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, ma túy.

    - Nhận thức của thành viên hội, người dân địa phương: Nhận thức của các thành viên Hội LHPN các xã vùng biên huyện Ngọc Hồi và người dân về vai trò và ý nghĩa của Hội LHPN trong phát triển KT-XH ảnh hưởng tích cực đến việc phát huy vai trò của Hội LHPN cấp xã ở các xã biên giới. Đại đa số các thành viên Hội LHPN và người dân có nhận thức cao về vai trò của Hội LHPN trong phát triển KT-XH, người dân ở đây rất tích cực tham gia vào các hoạt động của Hội, tạo động lực cho các cá nhân và cộng đồng thúc đẩy cải thiện trong các lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe, và phát triển kinh tế. Đại đa số người dân ở các xã vùng biên giới đều hiểu rõ rằng việc hợp tác với Hội LHPN sẽ đem lại nhiều lợi ích cho bản thân và gia đình.

    - Đặc điểm tình hình phát triển KT-XH tại địa phương: Nền KT-XH tại các xã vùng biên giới của huyện Ngọc Hồi là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới Hội LHPH nói riêng và các đơn vị tổ chức khác trong phát triển KT-XH tại địa phương. Có thể thấy, tình hình phát triển KT-XH ở các xã vùng biên giới của huyện Ngọc Hồi có tình hình kinh tế phát triển với 100% các thôn xã đều có điện thắp sáng, 5 xã biên giới đều được công nhận là xã nông thôn mới, đời sống xã hội ổn định, vai trò của Hội phụ nữ đạt được hiệu quả. Điều này cung cấp một cơ sở vững chắc cho Hội LHPN để thực hiện các hoạt động và chương trình hỗ trợ cho cộng đồng nói chung và cho các chị em trong Hội nói riêng. Phát triển KT-XH cung cấp cơ sở hạ tầng và điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các dự án và chương trình phát triển do Hội LHPN đề xuất. Các xã biên giới đã, đang và sẽ hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cơ bản được cung cấp từ cộng đồng, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng.

    - Một số yếu tố khác:

    + Điều kiện địa lý và cơ sở hạ tầng: Các xã biên giới huyện Ngọc Hồi có điều kiện, vị trí địa lý thuận lợi nằm ở ngã ba biên giới Việt Nam - Lào – Campuchia thuận lợi cho việc giao thương, giao lưu văn hoá, nắm bắt hiểu rõ các văn hoá, phong tục, tập quán; với cơ sở hạ tầng: đường xá, trường học, trạm y tế, cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của người dân đem lại những thuận lợi trong việc triển khai các dự án và chương trình phát triển để phát huy vai trò cho Hội LHPN 5 xã vùng biên giới.

    + Các hoạt động, phong trào của địa phương: Với nét văn hoá đặc trưng, các hoạt động phong trào của địa phương ở các xã biên giới đã tác động tích cực đến việc thực hiện vai trò của Hội như trình diễn Cồng chiêng - Xoang và Dân vũ đường phố; Chương trình nghệ thuật đường phố chào đón năm 2024; Giao lưu các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian; Hội chợ Văn hóa - Ẩm thực đường phố…

    3.2. Các yếu tố cản trở

    Bên cạnh những mặt đạt được, tình hình KT-XH khu vực biên giới của huyện Ngọc Hồi phát triển còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, trong đó khu vực biên giới có 3.971 hộ nghèo và cận nghèo (chiếm 23,76%[1]); trình độ, nhận thức của phụ nữ DTTS không đồng đều; một bộ phận phụ nữ còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; nguồn lực đầu tư cho các xã biên giới còn hạn chế, KT-XH phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; đời sống của hội viên, phụ nữ còn nhiều khó khăn… Các yếu tố cản trở việc phát huy vai trò của Hội LHPN gồm:

    - Địa hình, vị trí địa lý: Địa hình trên toàn tuyến biên giới của huyện Ngọc Hồi nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung đều là rừng núi hiểm trở, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mật độ dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp và đời sống của các tầng lớp Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

    - Vấn đề an ninh, chính trị: Vấn đề an ninh biên giới là một trong những điểm nóng đặc biệt quan trọng đối với các xã biên giới nơi đây. Đây thường là khu vực giáp ranh với các quốc gia khác, nơi mà việc kiểm soát và bảo vệ biên giới đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh quốc gia và địa phương. Với vị trí giáp biên giới, các xã biên giới thường phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến di cư và nhập cư. Do vậy, Hội LHPN cũng đóng vai trò hỗ trợ, kiểm soát, phòng ngừa và quản lý số lượng lớn người di cư và nhập cư bởi các xã biên giới thường là điểm nóng của các hoạt động tội phạm như buôn lậu ma túy, vũ khí và người. Việc tăng cường sự hiện diện của lực lượng an ninh và triển khai các biện pháp phòng chống tội phạm là cần thiết để đảm bảo an ninh và trật tự trong khu vực biên giới.

    - Thách thức về biên giới và văn hóa: Các vấn đề liên quan đến biên giới và sự đa dạng văn hóa trong khu vực biên giới cũng có thể tạo ra các rào cản và thách thức cho Hội LHPN ở các xã vùng biên của Ngọc Hồi. Sự khác biệt văn hóa và ngôn ngữ có thể làm giảm sự hiểu biết và sự hợp tác giữa các cộng đồng, làm giảm hiệu quả của các hoạt động phát triển. Thách thức về biên giới và văn hóa có thể tạo ra các rào cản đáng kể đối với hoạt động của Hội LHPN ở các xã biên giới trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

    - Tệ nạn xã hội: Nơi đây vẫn còn tình trạng bạo lực, nghèo đói, thất nghiệp, các tệ nạn nghiện, buôn bán, tàn trữ, sử dụng ma túy và hoạt động tội phạm, môi trường không an toàn và không ổn định, làm giảm sự tự do, sự tham gia và an toàn của các thành viên trong cộng đồng đặc biệt là Hội LHPN ở các xã vùng biên giới cũng như gia tăng thất nghiệp và khó khăn kinh tế tạo ra căng thẳn và lo lắng, làm giảm sự ủng hộ và tham gia của người dân trong các hoạt động của Hội LHPN.

    Tóm lại, trong bối cảnh hiện nay, việc phát huy vai trò của Hội LHPN cấp xã ở các xã biên giới huyện Ngọc Hồi, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH. Để phát huy tốt nhất vai trò của Hội LHPN cấp xã trong việc phát triển KT-XH tại các xã biên giới huyện Ngọc Hồi, cần có sự kết hợp đồng bộ giữa các yếu tố từ cơ sở hạ tầng, sự phối hợp với các tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ và tăng cường sự tham gia của cộng đồng. Những yếu tố ảnh hưởng trên hy vọng sẽ là cơ sở để các cơ quan chức năng và tổ chức liên quan có những hành động thiết thực, góp phần vào sự phát triển bền vững của khu vực biên giới của tỉnh nhà.

     

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Khánh Ngân “Phụ nữ huyện Ngọc Hồi giúp nhau phát triển kinh tế” đăng trên báo Kon Tum online, ngày 15/05/2022
    2. Nguyễn Xuân Thắng (2021), Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, NXB lý luận chính trị, Hà Nội.
    3. Ban Thường vụ Hội LHPN xã Sa Loong, Báo cáo số 54/BC-BTV ngày 18/9/2023 kết quả hoạt động công tác hội phong trào phụ nữ năm 2023; Ban Thường vụ Hội LHPN xã Đăk Xú, Báo cáo số 24/BC-BTV ngày 18/9/2022 kết quả hoạt động công tác Hội, phong trào phụ nữ năm 2022 và chương trình công tác năm 2023.
    4. Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Ngọc Hồi, Báo cáo số 188/BC-BTV tổng kết hoạt động công tác Hội và phong trào Phụ nữ huyện Ngọc Hồi năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
    5. Hội LHPN-Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Kon Tum, Báo cáo số 181/BCPH-PN-BN sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng PN biên cương” giai đoạn 2021-2023.
     

    [1] 136 nhà tạm (tranh, tre): Xã Đắk Nhoong 7; Đắk Long 24; Đắk Xú 47; Sa Loong 58. Có 10 hộ không có đất sản xuất (xã Sa Loong).

    Danh mục
    Tin nổi bật
    Tin liên quan
    zalo
    Hotline