Tác giả bài viết: Trịnh Thu Trang – Khoa Nhà nước và pháp luật
1. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa giáo dục
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng, nhà lý luận thiên tài của cách mạng Việt Nam. Toàn bộ di sản tư tưởng của Người là một kho báu văn hóa của dân tộc, hàm chứa nhiều lĩnh vực rộng lớn và phong phú. Trong toàn bộ hệ thống tư tưởng của Người thì tư tưởng về văn hóa giáo dục chiếm một vị trí quan trọng, đặt nền tảng trong vấn đề xây dựng nhân tố con người trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
Sau khi tìm thấy con đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã bỏ nhiều công sức phân tích sâu sắc nền giáo dục phong kiến và thực dân, chuẩn bị tư tưởng cho việc xây dựng một nền giáo dục của nước Việt Nam độc lập sau này. Người đã phê phán gay gắt nền giáo dục phong kiến: tầm chương, kinh viện, xa rời thực tế, bất bình đẳng, trọng nam khinh nữ...; và nền giáo dục thực dân là ngu dốt đồi bại, xảo trá, nguy hiểm hơn cả là sự dốt nát.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa giáo dục đã được đặt ra từ rất sớm, cùng với sự xuất hiện của cái tên Nguyễn Ái Quốc trên chính trường nước Pháp vào năm 1918. Điểm thứ sáu trong bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi đến Hội Nghị hòa bình Vécxây đã chỉ rõ: “Tự do học tập, thành lập người bản xứ”.
Sau khi chính quyền về tay nhân dân, việc xây dựng một nền văn hóa giáo dục mới đã chính thức được đặt ra như một trong những nhiệm vụ chiến lược cơ bản lâu dài, đồng thời cũng là một nhiệm vụ cấp bách phải tiến hành ngay, không thể chậm trễ. Người tuyên bố: “Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ra phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”[1]. Để làm được điều này, Hồ Chí Minh đã nêu ra một hệ thống quan điểm rất phong phú và toàn diện, định hướng cho nền giáo dục phát triển đúng đắn và giành được những thành tựu to lớn.
Mục tiêu của văn hóa giáo dục là để thực hiện cả ba chức năng của văn hóa thông qua việc dạy và học. Dạy và học là nhằm mở mang dân trí, nâng cao kiến thức; bồi dưỡng những tư tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp, những phẩm chất trong sáng và phong cách lành mạnh cho con người, đào tạo con người có ích cho xã hội. Đó là đào tạo những con người mới vừa có đức, vừa có tài, những công dân biết làm chủ, để đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Người chỉ rõ: Học để làm việc, làm người, làm cán bộ.
Học tập để mở mang dân trí phải bắt đầu từ việc làm sao để mọi người dân Việt Nam đều biết đọc, biết viết, đều thoát khỏi nạn mù chữ mà chủ nghĩa thực dân đã để lại, từ đó có những kiến thức cần thiết phục vụ cho lao động sản xuất và cho xây dựng cuộc sống mới. Người phát động phong trào “bình dân học vụ”, “bổ túc văn hóa” rộng rãi trên đất nước ta, đem lại những kết quả có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Đồng thời, Người cũng đề cập đến việc tiến hành cải cách giáo dục. Cải cách để xây dựng một hệ thống trường lớp, chương trình, nội dung thật khoa học và hợp lý, phù hợp với tình hình của đất nước. Trong quá trình xây dựng nền văn hóa giáo dục mới ở Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đề xuất phương hướng và nội dung học tập của các cấp học (đại học, trung học, tiểu học). Người nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học chính trị. Rằng học chính trị là học chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối quan điểm của Đảng để hiểu rõ nhiệm vụ cách mạng, đồng thời xây dựng cho bản thân mình một phương pháp nhận thức đúng đắn trước những diễn biến phức tạp của cuộc sống, để từ đó vững tin vào lý tưởng cách mạng, tránh những sai lầm vấp ngã. Bên cạnh đó, cũng lại rất cần phải học tập khoa học, kỹ thuật để có thể theo kịp và vươn lên trong thời đại mới, nơi mà cuộc cách mạng khoa học của nhân loại đang phát triển như vũ bão, công nghệ kỹ thuật được đầu tư phát triển.
Quá trình xây dựng nền văn hóa giáo dục mới, Hồ Chí Minh yêu cầu phải tẩy sạch tàn dư của giáo dục nô dịch. Nhà trường không phải là nơi nhồi nhét quá thừa những kiến thức vô bổ, nhưng lại quá thiếu những kiến thức cần thiết cho việc xây dựng kinh tế, quản lý xã hội và hình thành con người Việt Nam mới. Phương châm học đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế, học tập phải kết hợp với lao động; phải kết hợp thật chặt chẽ ba khâu: gia đình, nhà trường và xã hội; thực hiện dân chủ bình đẳng trong giáo dục.
Phương pháp giáo dục phải phù hợp với mục tiêu giáo dục. Cách dạy phải phù hợp với trình độ người học, phù hợp với lứa tuổi dạy từ dễ đến khó; phải kết hợp học tập với vui chơi, giải trí lành mạnh, phải dùng biện pháp nêu gương gắn liền với phong trào thi đua. Học ở mọi lúc, mọi nơi, học mọi người, học suốt đời, coi trọng việc tự học, tự đào tạo và đào tạo lại.
Đồng thời, cần chú trọng xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có đạo đức cách mạng, yêu nghề, giỏi về chuyên môn, thuần thục về phương pháp. Mỗi giáo viên phải là một tấm gương sáng về đạo đức, về học tập.
Đối với cán bộ, đảng viên, Người đòi hỏi “phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác – Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác – Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta”[2]. “Cán bộ chính trị phải chú trọng học tập kinh tế, kỹ thuật để lãnh đạo sản xuất được tốt. Cán bộ chính trị phải biết kỹ thuật, không biết, chỉ chính trị suông không lãnh đạo được”[3]. Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng để những người cán bộ, đảng viên nâng cao tầm trí tuệ trong điều kiện đất nước đi vào kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nhân loại đang bước vào nền văn minh với những bước phát triển nhảy vọt .
2. Ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa giáo dục
Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, quan điểm về vai trò của giáo dục trong việc phát huy nhân tố con người giữ vị trí hết sức quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Hồ Chí Minh đối với con người, coi con người là vốn quý nhất, là nhân tố quyết định mọi thành công; con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng.
Những tư tưởng của Người về lĩnh vực này là một hệ thống quan điểm rất phong phú và hoàn chỉnh, tạo tiền đề cho những thành tựu và phát triển của nền giáo dục Việt Nam trong những năm cách mạng, kháng chiến và thời kỳ độc lập sau này. Đó cũng chính là cơ sở khoa học, là kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta trong nhận thức và hoạt động xây dựng nền giáo dục ở Việt Nam.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, 2000, t.4, tr.8.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, 2000, t.8, tr.494.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, 2000, t.12, tr.22