Cán bộ, viên chức và người lao động trường Chính trị tỉnh Kon Tum làm theo phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cán bộ, viên chức và người lao động trường Chính trị tỉnh Kon Tum làm theo phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Tác giả bài viết: Nguyễn Quý An - Phòng QLĐT & NCKH

    Đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong di sản vô giá của Người, trong đó, phong cách sống và làm việc gần gũi, gắn bó với quần chúng nhân dân sẽ “mãi mãi ngát hương thơm” với dân tộc, với các thế hệ người Việt Nam.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về gần dân, học dân, kính trọng phục vụ nhân dân, Người đến với mọi người một cách rất tự nhiên và bình dị. Tác phong đó làm cho lãnh tụ và quần chúng dễ dàng hòa nhập với nhau trong sự đồng cảm sâu sắc, tạo nên sức hút kỳ lạ. Vì vậy, mọi người có thể nói hết những trăn trở, suy nghĩ của mình, còn với Người qua đó có thể hiểu được thực tế cuộc sống của Nhân dân để từ đó đưa ra những chủ trương đúng đắn hợp với lòng dân, tạo nên sự phát triển của đất nước, trong Bức thư gửi Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Người nói: “Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”[1]. Bác yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải yêu mến, tin tưởng vào khả năng và sức mạnh của nhân dân, đi đúng đường lối quần chúng. Luôn phải có mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng, phải thể hiện tinh thần phụ trách trước nhân dân. Sự gần gũi, sâu sát quần chúng của người cán bộ cách mạng là hết sức cần thiết, nhờ đó mà cán bộ, đảng viên mới không mắc bệnh chủ quan, không quan liêu, đại khái, ham chuộng hình thức. Bác khẳng định “dân là gốc”. Người nói: “Nước lấy dân làm gốc”, “gốc có vững, cây mới bền; xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”[2] . Dân là người có địa vị cao nhất và là người có trí và có tài, tập hợp được nhiều người và giải quyết công việc nhanh chóng.  
          Phong cách quần chúng Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở việc hết lòng, hết sức vì quần chúng, vì nhân dân, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng của cá nhân vì lợi ích của quần chúng, của Nhân dân. Đây là một đặc điểm có tính chất đặc trưng trong phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Người, đã coi trọng Nhân dân thì phải biết hy sinh vì Nhân dân. Chứ đánh giá cao Nhân dân nhưng mà đến với Nhân dân lại chỉ nghĩ đến lợi ích của cá nhân mình, cái gì cũng cục bộ, địa phương, tự lợi thì dân sẽ không nghe. Là người cán bộ, đảng viên nếu có khuyết điểm thì phải thật thà tự nhận khuyết điểm trước quần chúng nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình. Người nói: “Khi có khuyết điểm thì phải thật thà tự phê bình, hoan nghênh người khác phê bình mình và kiên quyết sửa chữa”[3]. Để dân biết, dân tin, dân làm theo, mỗi cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong gương mẫu, phải “miệng nói, tay làm”, thống nhất lời nói với hành động. Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thực hiện phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nghiêm túc thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, kiên quyết đấu tranh với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xa xỉ. Có như thế người cán bộ cách mạng mới được dân mến, dân tin, dân phục, mới có thể công tâm, sâu sát, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân. Việc chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí, Hồ Chí Minh chỉ rõ cần phải có một “đơn thuốc” - nguyên tắc: “Theo đúng đường lối Nhân dân và 6 điều là: Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết; Liên hệ chặt chẽ với nhân dân; Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ; Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; Sẵn sàng học hỏi nhân dân; Tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo”[4].                                
          Quán triệt tư tưởng của Người về tác phong quần chúng, thông qua việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, năm 2021, Đảng ủy Trường Chính trị tỉnh Kon Tum thực hiện Công văn số 146-CV/ĐUK ngày 29/12/2020 của Ban Thường vụ Đảng ủy khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Kon Tum về gợi ý nội dung sinh hoạt chuyên đề chi bộ năm 2021. Với mục đích nâng cao nhận thức và phẩm chất đạo đức, chính trị tư tưởng của cán bộ đảng viên, yêu cầu cán bộ, đảng viên, các chi bộ làm tốt việc quán triệt thực hiện Kết luận 18-KL/TW ngày 29/9/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 20/3/2007 của Ban Bí thư khóa X “về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới và Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Từ đó, mỗi cán bộ, giảng viên nắm vững được chủ trương của Đảng ủy, sự lãnh, chỉ đạo trực tiếp của Ban giám hiệu, luôn nỗ lực phấn đấu học tập và nghiên cứu góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường.
          Học tập và làm theo phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện qua cách làm việc có trách nhiệm, khoa học, tùy theo từng vị trí việc làm cán bộ, giảng viên và nhân viên Nhà trường mà thực hiện: Đội ngũ giảng viên Nhà trường luôn đoàn kết, xây dựng cho mình kế hoạch cụ thể, thiết thực để thực hiện tốt công tác giảng dạy và đạt được kết quả nhất định. Mỗi giảng viên luôn thể hiện tính dân chủ, cởi mở, vui vẻ, lắng nghe… góp ý trực tiếp với đồng nghiệp thông qua những buổi dự giờ, thao giảng. Đặc biệt, trong những buổi lên lớp, thảo luận giảng viên luôn tạo không khí vui tươi, gần gũi…. tạo cho học viên hứng thú, say mê nghiên cứu học tập và bày tỏ chính kiến, quan điểm riêng của mình, thông qua đó, giảng viên cũng thu được những kinh nghiệm thực tiễn từ học viên. Cán bộ được phân công làm Chủ nhiệm lớp luôn bám sát lớp theo dõi, cung cấp đầy đủ các nội quy, quy định của Nhà trường về quyền lợi và nghĩa vụ của học viên, để học viên nắm rõ nghiêm túc thực hiện; thường xuyên thăm hỏi và động viên, giúp đỡ các học viên là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh một số học viên chưa tự giác nghiên cứu học tập và rèn luyện, chưa xác định đúng mục đích của việc học lý luận chính trị. Bên cạnh đó, cán bộ, viên chức và người lao động luôn xác định đúng vị trí việc làm của mình, không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao.
          Tuy vậy, việc triển khai công tác học tập các văn bản của Đảng, Nhà nước các cấp chủ yếu bằng hình thức tuyên truyền miệng, dẫn đến hiệu quả chưa cao; việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ chính trị chưa có tính đột phá. Một số cán bộ, viên chức thực hiện chưa có sự chuyển biến tích cực trong phong cách, lối làm việc; tinh thần và ý thức tự giác nghiên cứu học tập để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ chưa cao, còn ngại học hỏi, sợ va chạm; cán bộ, viên chức được cử làm chủ nhiệm theo dõi, quản lý lớp đôi lúc còn nễ nang, chưa thực sự gần gũi với học viên. Một số cán bộ giảng viên trẻ, chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm, lại khiêm nhiệm nhiều việc, nên chưa dành thời gian đầu tư nghiên cứu chuyên sâu vào bài giảng, nhất là bài giảng không thuộc chuyên ngành được đào tạo, việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực còn hạn chế, thiếu thực tiễn, chưa phát huy được vai trò trung tâm của học viên trong buổi học, do vậy chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, vẫn còn một số học viên chưa xác định đúng mục tiêu đào tạo là nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ công tác tốt hơn, mà coi mục tiêu đào tạo là có đủ bằng cấp, chứng chỉ để hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh của mình.
          Để học tập phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh áp dụng trong công việc hằng ngày, trong thời gian tới đội ngũ giảng viên, cán bộ viên chức và người lao động Nhà trường cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
          Một là, mỗi cá nhân cần phải luôn tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, rèn luyện phong cách tư duy, có tinh thần độc lập, sáng tạo, có bản lĩnh chính trị vững vàng, dám chịu trách nhiệm, phải có chính kiến riêng, luôn là tấm gương sáng để mọi người noi theo.
          Hai là, phải tự rèn luyện tác phong quần chúng, dân chủ và khoa học trong công việc; tiếp tục tạo mối liên hệ chặt chẽ, gần gũi với đồng chí, đồng nghiệp và học viên, chia sẽ công việc cho nhau, quan tâm đến mọi người, động viên kích lệ để tiến bộ.
          Ba là, không được kiêu ngạo mà phải thấu hiểu và luôn sẵn sàng học hỏi mọi người. Mỗi cán bộ, đảng viên phải hiểu rằng, đã làm việc thì không tránh khỏi khuyết điểm, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Có hoạt động thì khó tránh khỏi khuyết điểm. Nhưng khi có khuyết điểm thì phải thật thà tự phê bình, hoan nghênh người khác phê bình mình và kiên quyết sửa chữa.
          Bốn là, luôn nỗ lực phấn đấu để nâng cao hiệu quả trong việc rèn luyện về sự nêu gương. Để có thể nêu gương cho quần chúng thì bản thân mỗi người phải không ngừng học tập rèn luyện, luôn quan tâm sâu sát và lắng nghe ý kiến của tập thể cán bộ viên chức.
          Năm là, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của viên chức và người lao động, tạo điều kiện thuận lợi để động viên kích lệ viên chức và người lao động thực hiện quyền làm chủ của mình trên tinh thần cùng nhau xây dựng tập thể đơn vị Trường Chính trị tỉnh Kon Tum ngày càng vững mạnh. Đồng thời, quan tâm đến tâm tư nguyện vọng và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ viên chức và người lao động.
          Tóm lại, việc học tập và làm theo tác phong quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi cán bộ, viên chức và người lao động Trường Chính trị tỉnh Kon Tum luôn đề cao trách nhiệm, phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ban giám hiệu và lãnh đạo các Khoa, phòng xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo cán bộ viên chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, có hiệu quả hoàn thành tốt kế hoạch đề ra. Định kỳ có kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp. Nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh Kon Tum, phấn đấu trở thành Trường đạt chuẩn trong hệ thống các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh./.



    [1] Bức thư đăng trên Báo Cứu quốc số 69, ngày 17.10.1945, 
    [2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.5, tr.286,
    [3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.12, tr.336,
    [4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.6, tr.292.

    Danh mục
    Tin nổi bật
    Tin liên quan
    Một vài suy nghĩ về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học tại các Trường Chính trị Khu vực Tây nguyên

    Một vài suy nghĩ về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học tại các Trường Chính trị Khu vực Tây nguyên

    Một vài suy nghĩ về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học tại các Trường Chính trị Khu vực Tây nguyên
    Hội thảo Khoa học cấp trường lần thứ nhất, năm 2018

    Hội thảo Khoa học cấp trường lần thứ nhất, năm 2018

    Thực kiện kế hoạch Số: 12/KH-TCT, ngày 18/6/2018 của Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh Kon Tum, sáng ngày 23/8/2018 trường Chính trị tỉnh Kon Tum tổ chức Hội thảo khoa học cấp trường với chủ đề "Sơ kết 2 năm thực hiện quy định nâng cao chất lượng dạy và học tại trường Chính trị tỉnh Kon Tum".
    Hội thảo Khoa học cấp trường năm 2020

    Hội thảo Khoa học cấp trường năm 2020

    Thực kiện kế hoạch Số: 10/KH-TCT, ngày 06/07/2020 của Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh Kon Tum về Hội thảo khoa học cấp trường, chiều ngày 19/8/2020 trường Chính trị tỉnh Kon Tum tổ chức Hội thảo khoa học cấp trường với chủ đề "Một số kinh nghiệm trong đổi mới phương pháp giảng dạy tại trường Chính trị tỉnh Kon Tum".
    zalo
    Hotline