MỘT VÀI NHÌN NHẬN VỀ PHÁT HUY NGUỒN LỰC CỦA CÁC TÔN GIÁO TRONG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI Ở TỈNH KON TUM

MỘT VÀI NHÌN NHẬN VỀ PHÁT HUY NGUỒN LỰC CỦA CÁC TÔN GIÁO TRONG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI Ở TỈNH KON TUM

    TS. Đặng Luận

     Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kon Tum

    1. Khái quát đời sống tôn giáo trên địa bàn tỉnh Kon Tum

    Toàn tỉnh hiện có 05 tôn giáo đang hoạt động (Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo) với 232.567 tín đồ (trong đó có 159.376 tín đồ tín đồ người dân tộc thiểu số), 265 chức sắc, 148 cơ sở tôn giáo hợp pháp. Gồm:

    - Công giáo: Có 109 cơ sở thờ tự (51 nhà thờ, 35 nhà nguyện, 23 cơ sở của các dòng tu); 186.285 tín đồ, chiếm khoảng 41% dân số toàn tỉnh (trong đó 141.658 tín đồ DTTS), 91 chức sắc (03 giám mục, 86 linh mục, 02 tu sỹ dòng Mẹ Chúa Cứu chuộc); 221 nhà tu hành là nữ tu.

    - Phật giáo: Có 33 cơ sở thờ tự (27 chùa và 06 tịnh xá); 26.195 tín đồ (trong đó 738 tín đồ tín đồ DTTS), 45 chức sắc (02 hòa thượng, 02 ni sư, 01 thượng tọa, 29 đại đức, 11 sư cô).

    - Tin Lành: Có 03 cơ sở (02 cơ sở của hệ phái Tin lành Việt Nam (miền Nam) và 01 cơ sở của Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam); 19.605 tín đồ (trong đó 16.980 tín đồ tín đồ DTTS) thuộc 17 tổ chức Tin lành (gồm: Tin lành Việt Nam (miền Nam); Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam; Hội thánh Tin lành Trưởng Lão; Hội thánh Liên hữu Cơ đốc; Hội thánh Menonite Việt Nam; Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam; Giáo hội Báp - tít Việt Nam; Hội thánh Truyền giảng Phúc âm; Tin lành Báp - tít Liên hiệp Việt Nam; Hội thánh Giám lý Liên hiệp Việt Nam; Liên hiệp Truyền giáo; Phúc âm Đời đời; Hội thánh truyền giảng Phúc âm; Hội thánh Việt Nam truyền giáo; Hội thánh lời sự sống; Bắp tít Lutheran Việt Nam; Tin lành cơ đốc Liên hiệp Việt Nam) với 121 chức sắc (51 Mục sư và 70 Truyền đạo).

    - Cao Đài: Có 03 cơ sở (01 thánh thất của hệ phái Cao đài Tây Ninh; 01 Thiên bàn của Cao đài Cầu kho Tam Quan và 01 điểm giao đất cho Cơ sở đạo Trung Định thuộc Hội thánh Truyền giáo Cao đài xây dựng cơ sở thờ tự); 451 tín đồ, 8 chức sắc (Truyền giáo Cao đài 01 lễ sanh; Cao đài Cầu kho Tam quan 01 lễ sanh; Cao đài Tây Ninh 6 lễ sanh);

    - Phật giáo Hòa Hảo có 31 tín đồ.

    Nhìn chung, hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh trong những năm qua cơ bản diễn ra theo đúng nội dung, chương trình đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các hoạt động cụ thể như:

    Một là, các tổ chức tôn giáo tăng cường củng cố tổ chức, tổ chức các nghi lễ, hoạt động tôn giáo... nhằm củng cố đức tin trong tín đồ.

    Cùng với việc phong phẩm, bổ nhiệm, tiếp nhận, thuyên chuyển chức sắc, chia tách, thành lập giáo xứ, ban trị sự cấp huyện; công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân sự được các tôn giáo được quan tâm thường xuyên. Công giáo tiếp tục tuyển sinh các khóa đào tạo giáo phu trẻ, khóa bồi dưỡng các chú giáo phu tại Tòa Giám mục Kon Tum, tuyển và cử Đại chủng sinh, chủng sinh đi học tập tại các Đại chủng viện, học viện trong nước; tổ chức Ngày ơn gọi, các khóa huấn luyện,...; Tin lành mở các lớp Kinh thánh cho nhân sự của Giáo hội, cử nhân sự tham gia các khóa Thần học, bồi dưỡng mục vụ, Bồi linh thường niên và huấn luyện...; Phật giáo cử tăng - ni tham gia các chương trình Phật học (Trung cấp, Cử nhân, ...), bồi dưỡng nghiệp vụ Trụ trì và hành chính giáo hội,...

    Bên cạnh đó, các ngày Lễ trọng đều được các tôn giáo tổ chức trang nghiêm, có sức lan tỏa rộng trong quần chúng tín đồ (Lễ Giáng sinh, Phục sinh, Phật đản, Vu lan, Đại lễ cầu siêu, Giỗ Tổ Hùng Vương, Hội yến Diêu Trì cung, Đại lễ Vía Đức Chí tôn...). Đặc biệt, Công giáo còn tổ chức phát trực tiếp một số Thánh lễ trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Youtube) nhằm lan tỏa đạo rộng rãi thích ứng với đại dịch Covid-19.

    Hai là, các tổ chức tôn giáo tích cực xin cấp đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các tổ chức tôn giáo: giao đất để xây dựng mới 21 công trình tôn giáo (trong đó đạo Phật:10 công trình; đạo Công giáo: 09 công trình; Tin lành: 01 công trình; đạo Cao đài: 01 công trình).

    Ba là, các tổ chức tôn giáo quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự, công trình tôn giáo. Hiện toàn tỉnh có 153 cơ sở tôn giáo hợp pháp, nhiều cơ sở được xây dựng mới, sửa chữa, trùng tu, nâng cấp đáp ứng nhu cầu của đông đảo quần chúng tín đồ. Trong thời gian từ năm 2018 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giải quyết cho 32 cơ sở tôn giáo được xây dựng 127 hạng mục, công trình trong khuôn viên cơ sở thờ tự để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tôn giáo (trong đó: Công giáo có 21 cơ sở với 89 hạng mục; đạo Phật có 10 cơ sở với 33 hạng mục; đạo Tin lành có 01 cơ sở với 05 hạng mục).

    Bốn là, các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia cùng với chính quyền các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động (Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là cuộc vận động “làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”,...), hoạt động từ thiện nhân đạo; an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh, thiên tai (đặc biệt là trong đợt dịch Covid-19). Đã tích cực cùng các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh hỗ trợ cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với số tiền lên đến hàng tỷ đồng...

    Trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Kon Tum đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, hỗ trợ Nhân dân phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống; lồng ghép nội dung, nhiệm vụ công tác tôn giáo với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong các dự án, chương trình, chính sách ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào có đạo (các Chương trình Mục tiêu quốc gia). Thường xuyên vận động Nhân dân nói chung và đồng bào có đạo nói riêng tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động, nhất là các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”,”Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”; tranh thủ sự ủng hộ của người đứng đầu, các chức sắc, người có uy tín trong tôn giáo thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện...

    Qua đó, đồng bào tôn giáo ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của chính quyền các cấp; nâng cao tinh thần đoàn kết, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

    Tuy nhiên, tình hình hoạt động tôn giáo vẫn còn nổi lên một số vấn đề cần lưu ý, cụ thể:

    - Một số chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tổ chức tôn giáo tự ý tổ chức các cuộc lễ ngoài chương trình đăng ký hàng năm tại các cơ sở thờ tự hợp pháp;  tổ chức sinh hoạt hoạt tôn giáo tại nhà riêng của tín đồ hoặc tại những nơi không có cơ sở thờ tự hợp pháp; tự ý xây dựng, cơi nới, cải tạo, nâng cấp các hạng mục thuộc cơ sở tôn giáo khi chưa làm thủ tục xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thực hiện việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo không đúng với giấy phép xây dựng đã được cấp; hỗ trợ, xúi dục tín đồ tôn giáo tự ý cơi nới, sửa chữa nhà riêng với mục đích “biến gia thành tự” để làm nơi sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật; lợi dụng tư cách cá nhân sang nhượng, mua bán đất để kinh doanh làm ăn kinh tế phục vụ lợi ích cho giáo hội, về lâu dài hợp thức hóa để mở rộng xây dựng cơ sở thờ tự ...; tổ chức các hoạt động từ thiện nhân đạo, thăm khám chữa bệnh... nhằm lôi kéo, tranh giành tín đồ thường xuyên diễn ra gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn.

    - Một số chức sắc tôn giáo, đối tượng cực đoan trên địa bàn tỉnh vẫn còn thể hiện tư tưởng lệch lạc, có những lời lẽ bôi nhọ, đả kích chế độ Cộng sản, Đảng và Nhà nước; tìm mọi cách để đòi lại hoặc đặt vấn đề với chính quyền trả lại các cơ sở nhà, đất có nguồn gốc tôn giáo đang được nhà nước quản lý và sử dụng.

    - Một số cá nhân thuộc các hệ phái, tôn giáo không hợp pháp có nhiều hành vi bôi xấu, xuyên tạc chính sách tôn giáo của nước ta; tích cực tuyên truyền, liên hệ với các tổ chức nước ngoài để gây áp lực từ quốc tế; rủ rê tín đồ vượt biên trái phép để xin tị nạn...

    2. Việc phát huy nguồn lực các tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum thời gian qua

    Trong những năm qua, nhìn chung chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Kon Tum luôn tin tưởng, đồng thuận và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì, phát động, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

    Các tôn giáo đã, đang và rất tích cực phát huy nguồn lực để tổ chức, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, một mặt để củng cố niềm tin cho tín đồ; mặt khác góp phần cùng địa phương giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Có thể khái quát một số nội dung chủ yếu như:

    - Trong hoạt động tôn giáo, thông qua các cuộc lễ, hoạt động tôn giáo, chức sắc tôn giáo đã lấy những điều răn trong giáo lý, giáo luật, lễ nghi làm chuẩn mực để khuyên dạy tín đồ thực hiện. Những chuẩn mực này góp phần không nhỏ hình thành nguyên tắc ứng xử phù hợp với những chuẩn mực đạo đức xã hội hiện nay. Đôi khi tôn giáo có vai trò trung gian khi hòa giải các bất đồng, mâu thuẫn trong các gia đình, cộng đồng; khuyên bảo tín đồ chăm chỉ làm ăn, chấp hành pháp luật, tránh các tệ nạn xã hội, chấp hành các chủ trương, chính sách ở địa phương; xây dựng tình làng nghĩa xóm, tôn trọng và đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết dân tộc.

    - Các tôn giáo đã tuyên truyền, vận động toàn thể tín đồ trong tỉnh phát huy tinh thần dân chủ, quyền công dân để tích cực tham gia cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp; Trong các đợt bầu cử, nhiều vị chức sắc, tín đồ đã được nhân dân tín nhiệm, đề cử, bầu tham gia vào HĐND các cấp; ngoài ra, các tôn giáo còn vận động các vị tăng, ni tích cực tham gia và các tổ chức, đoàn thể các cấp như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội khuyến học... Đồng thời động viên tín đồ tích cực tham gia các phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời - đẹp đạo, xây dựng khu dân cư không có tệ nạn xã hội...; xây dựng các mô hình đường phố, khu phố không rác”; tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Quỹ vì người nghèo”...

    - Đối với vùng đồng bào DTTS, tôn giáo giúp bài trừ một số hủ tục lạc hậu, quan niệm mê tín; lưu giữ giá trị văn hóa tốt đẹp thông qua sử dụng trang phục truyền thống, cng chiêng, múa xoang trong các nghi lễ tôn giáo, sử dụng kinh sách bằng tiếng DTTS..

    - Trong lĩnh vực giáo dục, hiện tỉnh Kon Tum đã có các cơ sở giáo dục mầm non do các dòng tu Công giáo thành lập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động; ngoài ra các tổ chức, chức sắc tôn giáo còn mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho các em học sinh người DTTS; dạy văn hóa cho các em học sinh tiểu học người DTTS trong dịp nghỉ hè...

    - Trong lĩnh vực y tế, mặc dù không có cơ sở khám, chữa bệnh của tổ chức tôn giáo nhưng các tôn giáo đã huy động nhiều đoàn từ thiện tới tỉnh Kon Tum để tổ chức khám, chữa bệnh, phát thuc miễn phí cho nhân dân.

    - Về hoạt động bảo trợ xã hội (nuôi dạy trẻ em nghèo, tàn tật, người không nơi nương tựa, mắc bệnh hiểm nghèo... ), các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Kon Tum đều tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào, hoạt động xã hội do chính quyền địa phương phát động. Công giáo có các cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dạy trẻ mồ côi, chăm sóc bệnh nhân phong, giúp đỡ bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện; Đạo Phật, Đạo Cao đài, Tin lành mặc dù không thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội (có tư cách pháp nhân) nhưng trong những năm qua các tổ chức tôn giáo cũng đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội như: hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ gia đình khó khăn, người già neo đơn, nạn nhân chất độc màu da cam, đồng bào DTTS; tặng quà sách vở, xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh là người DTTS; hỗ trợ người dân, tín đồ tôn giáo khoan giếng để có nước sạch sử dụng...

    - Các chức sắc tôn giáo đã tích cực hướng dẫn tín đồ trong cách lao động, biết lựa chọn con giống, cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên để đem lại năng xuất cao, không đốt nương, làm rẫy, du canh du cư,... qua đó góp phần ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

    - Đặc biệt trong thời điểm tỉnh Kon Tum bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19, các tôn giáo đã làm rất tốt công tác tổ chức hỗ trợ tín đồ tôn giáo và nhân dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thông qua việc hỗ trợ nhu yếu phẩm, kinh phí điều trị với số tiền hỗ trợ lên đến hàng chục tỷ đồng... ./.

     

                                   TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum, Báo cáo tình hình công tác quản lý nhà nước về tôn giáo các năm

    2. Ban Truyền thông Giáo phận Kon Tum (2011), “Sơ lược tiểu sử Hội dòng Ảnh phép lạ Giáo phận Kon Tum”, trên trang thông tin điện tử của Tòa Giám mục Kon Tum, http//gpkontum.Wordpress.com

    3. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kon Tum, Phật giáo trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum hiện nay, Tham luận đại hội Phật giáo khóa IX (2022-2027), đăng trên website: https://vbgh.vn

    4. Phan Xuân Sơn, Nguyễn Thị Thanh Dung (2020), Quản lý xung đột xã hội vùng tộc người thiểu số ở Việt Nam hiện nay, Nxb lý luận chính trị, Hà Nội.

    5. Báo Kon Tum điện tử (https://baokontum.com.vn/)

    5. Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum: https://kontum.gov.vn

    6. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Nhận diện và ngăn chặn xung đột xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Kon Tum, tháng 3-2023.

    7. Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Kon Tum:

    (http://congan.kontum.gov.vn)

    8. Trang thông tin điện tử Ban Tôn giáo tỉnh Kon Tum:

    (https://bantongiao.snv.kontum.gov.vn)

    9. Website Giáo phận Kon Tum: https://giaophankontum.com

     

     

    Danh mục
    Tin nổi bật
    Tin liên quan
    zalo
    Hotline