Tác giả bài viết: Nguyễn Quý An
Nguồn tin: Phòng Đào tạo
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ là “công việc gốc của Đảng” và phải được tiến hành thường xuyên. Phải xác định rõ mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với các yếu tố cơ bản: học thức, đạo đức cách mạng, tác phong và năng lực công tác.
Người yêu cầu cán bộ, công chức phải không ngừng học tập cả về lý luận và thực tiễn; Đảng chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, bởi vì nhiệm vụ cách mạng rất khó khăn và phức tạp, mỗi thời kỳ lại có những khó khăn, phức tạp riêng, chính vì vậy công tác đào tạo, bồi dưỡng là công tác thường xuyên và lâu dài.
Trường Chính trị tỉnh Kon Tum có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan Đảng, bộ máy nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Với nhiệm vụ chủ yếu là Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn và các đơn vị tương đương); Trưởng, phó phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và tương đương; Trưởng, phó phòng của sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và tương đương; Cán bộ dự nguồn các chức danh trên về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước và kỹ năng, nghiệp vụ nhằm trau dồi lập trường giai cấp, phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực công tác cho cán bộ, công chức trong toàn tỉnh.
Thực hiện Thông báo kết luận số 540-TB/TU ngày 16/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum, bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Ban Giám hiệu trường Chính trị tỉnh Kon Tum đã tập trung ra sức triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của trường trong 6 tháng đầu năm 2018, theo đó đã đạt được kết quả đáng kể sau:
+ Trường phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh mở lớp Cao học Xây dựng Đảng - Chính quyền Nhà nước với số lượng 40 học viên.
+ Trường phối hợp với Học viện Chính trị Khu vực III mở được 02 lớp Cao cấp LLCT - HC với số lượng 178 học viên. Trong đó, 01 lớp đã bế giảng lớp số lượng 90 Đ/c; Với kết quả học tập 01 học viên đạt loại Xuất sắc, 69 học viên đạt loại Giỏi, 20 học viên đạt loại Khá.
+ Đào tạo 14 lớp Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính, với tổng số 950 học viên. Trong đó, 02 lớp Trung cấp LLCT - HC đã tốt nghiệp ra trường số lượng 139 học viên, với kết quả xếp loại 35 học viên đạt loại Khá; 104 học viên đạt loại Trung bình.
+ 01 lớp Bồi dưỡng Ngạch chuyên viên, với tổng số 70 học viên.
+ 01 lớp Bồi dưỡng Ngạch chuyên viên chính, với tổng số 70 học viên.
+ 05 lớp bồi dưỡng khối Đảng, đoàn thể, với tổng số 439 học viên, đều đạt được mục đích, yêu cầu của khóa học.
Đạt được những kết quả nêu trên nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp thường xuyên, sâu sát của Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; Sự phối hợp nhịp nhàng của Thường trực các huyện ủy với trường Chính trị tỉnh trong việc mở các lớp Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính tại các huyện; việc thống nhất phối hợp của các Sở, Ban, Ngành đoàn thể cùng với Nhà trường triển khai chương trình, kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng theo chức năng, nhiệm vụ.
Mặt khác, Trường Chính trị tỉnh Kon Tum luôn chú trọng, chủ động, tích cực trong việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, xây dựng cơ sở vật chất, vừa phát huy nội lực, vừa tạo sự liên kết với các Học viện để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Thực tế công tác đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường trong năm qua cũng còn bộc lộ một số khó khăn như: Tiến độ triển khai thực hiện một số lớp đào tạo không đúng so với sự phân khai kế hoạch ban đầu; Việc triển khai mở các lớp bồi dưỡng cho khối Đảng, đoàn thể, vì những lý do khác nhau buộc phải thay đổi thời gian gây xáo trộn trong thực thi kế hoạch; Đối tượng học viên lại đa dạng, nhiều độ tuổi, trình độ học vấn và nhận thức không đồng đều, trong khi đó chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng của một số loại hình còn nặng lý luận, làm ảnh hưởng đến công tác giảng dạy và học tập; Cơ sở vật chất của Trường tuy đã được tăng cường nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới như: Thiếu giảng đường, thiếu phòng ở khu ký túc xá, sân thể thao cho học viên, trang thiết bị xuống cấp…; Một số giảng viên thỉnh giảng, báo cáo viên mời tham gia giảng dạy thường thay đổi lịch giảng hoặc bận công tác đột xuất nên phải thay đổi giảng viên đã làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Trường nói chung, đến chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nói riêng.
Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trường Chính trị tỉnh Kon Tum trong 6 tháng đầu năm 2018 luôn bám sát kế hoạch đã được duyệt và có sự phân khai phù hợp với điều kiện cụ thể của trường. Trong việc thực hiện nhiệm vụ Nhà trường luôn đảm bảo nghiêm túc theo quy chế, quy định và phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra, luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Đội ngũ giảng viên của trường lấy người học làm trung tâm, từng bước sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực, nghiên cứu cập nhật bổ sung các quan điểm chủ trương, đường lối, chính sách mới của Đảng và tình hình nhiệm vụ địa phương vào bài giảng.
Có thể nói, trong 6 tháng đầu năm 2018 công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Trường đã đáp ứng về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng, công tác quản lý quy trình đào tạo, bồi dưỡng có nhiều đổi mới. Trong đào tạo, bồi dưỡng luôn chú ý đổi mới phương pháp giảng dạy, thực hiện nghiêm phương châm gắn lý luận với thực tiễn, khắc phục đáng kể tình trạng kinh viện, giáo điều. Nhà trường đã thực hiện phương pháp dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm, kết hợp nhuần nhuyễn những yếu tố hợp lý trong các phương pháp giảng dạy truyền thống với vận dụng các phương pháp dạy học tích cực; tiến hành chuẩn hóa về phương pháp ở các hệ đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường bổ sung kiến thức thực tiễn làm sáng tỏ hơn vấn đề lý luận. Trong hoạt động dạy - học, vừa tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, vừa tích cực đổi mới công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên môn theo hướng chặt chẽ, khoa học, đúng quy chế.
Cùng với việc nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên, việc đổi mới phương pháp học tập, xây dựng động cơ và ý thức học tập của học viên cũng được Nhà trường đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở bộ quy chế về quản lý đào tạo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành và hướng dẫn, trường Chính trị tỉnh Kon Tum đã cụ thể hóa để quản lý chặt chẽ quá trình dạy và học cho phù hợp. Việc tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên được chuẩn hóa, nội dung tổng hợp, kiến thức bao quát, không giới hạn nội dung ôn tập, có sự vận dụng lý luận vào thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý ở cơ sở. Nhà trường đã xây dựng Quy định về ứng xử văn hóa của cán bộ, giảng viên, viên chức và học viên.
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, chúng tôi thiết nghĩ Nhà trường cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp chủ yếu sau đây:
- Đảng ủy, BGH Nhà trường làm tốt công tác tham mưu với Thường trực Tỉnh ủy và UBND Tỉnh trong việc cho tổ chức triển khai các chương trình bồi dưỡng theo chức danh, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý góp phần nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở.
- Có cơ chế, chính sách để xây dựng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên chất lượng cao, có kiến thức sâu, rộng, có nhiều kinh nghiệm trong thực tế để cung cấp cho người học những thông tin, kiến thức thiết thực.
- Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng lấy người học làm trung tâm; duy trì tốt nền nếp dạy và học.
- Tăng cường công tác quản lý học viên sát với quy chế, quy định, luôn phát huy tính độc lập, sáng tạo của người học./.