Tác giả bài viết: Ths. Mai Văn Bay - Trưởng khoa Xây Dựng Đảng
Tháng 9 năm 1940, phát xít Nhật vào Đông Dương, chế độ phát xít được thiết lập và năm 1943 chiến tranh thế giới thứ hai dần vào giai đoạn kết thúc, đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công cuộc khởi nghĩa giành quyền độc lập. Nạn diệt chủng do sự bóc lột tàn bạo của chính quyền Pháp - Nhật, và sự kiệt quệ về kinh tế sẽ dẫn đến cái chết của hai triệu người.
Đảng Cộng sản Đông Dương, người lãnh đạo dân tộc nhằm vào mục tiêu độc lập dân tộc, tự do và dân chủ cho nhân dân, đến lúc này vẫn là lực lượng duy nhất có sứ mệnh đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Cùng với hoạt động chính trị và quân sự, Đảng cũng rất coi trọng mặt trận văn hóa. Theo đó, phải có các tổ chức và đội ngũ cán bộ hoạt động về văn hóa, văn nghệ để gây dựng và thúc đẩy phong trào văn hóa tiến bộ, văn hóa cứu quốc nhằm chống lại văn hóa phát xít thụt lùi, văn hóa phong kiến bảo thủ, lạc hậu... Do vậy, tại Hội nghị Thường vụ Trung ương từ ngày 25 đến 28/2/1943, Đảng ta xác định phải có đường lối lãnh đạo xây dựng nền tảng văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng. Vì thế, “Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943” đã ra đời.
Đề cương về văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh khởi thảo và công bố. Đây được coi là bản tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam về văn hóa, có vai trò định hướng cho nhận thức và phương châm hoạt động văn hóa, văn nghệ của toàn Đảng, toàn dân; sự xuất hiện của bản Đề cương văn hóa 1943 đã thức tỉnh, lôi cuốn và tập hợp đông đảo nhân dân Việt Nam nói chung, giới trí thức và những người hoạt động văn hóa nói riêng tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xóa bỏ sự nô dịch về văn hóa, sự áp bức về chính trị và sự bóc lột về kinh tế của chủ nghĩa thực dân.
Đề cương văn hóa Việt Nam đến nay vừa tròn 80 năm. Mặc dù ở dạng đề cương, nhưng Đề cương văn hóa có vai trò rất lớn, định hướng xuyên suốt hoạt động trên mặt trận văn hóa. Trong dịp kỷ niệm 40 năm Đề cương văn hóa ra đời (1943 - 1983), nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh nhấn mạnh: “vì trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, Trung ương chưa đủ điều kiện nghiên cứu sâu các vấn đề liên quan đến cách mạng văn hóa Việt Nam… Nhưng Đề cương văn hóa đã thu tóm được những vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong điều kiện lúc đó của Việt Nam”1. Bản Đề cương văn hóa không chỉ có giá trị to lớn "trong điều kiện lúc đó của Việt Nam", sự ra đời của Đề cương văn hóa còn có ý nghĩa lịch sử rất lớn đối với việc xây dựng bản sắc văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Thể hiện:
Một là, Đề cương văn hóa xác định những vấn đề lý luận cơ bản định hướng đúng đắn hoạt động tư tưởng và văn hóa Việt Nam.
Trong bản Đề cương văn hóa, Đảng ta nắm vững và quán triệt sâu sắc những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, khẳng định mối quan hệ không tách rời giữa văn hóa và kinh tế, chính trị. Đề cương chỉ rõ: "Quan hệ giữa văn hoá và kinh tế, chính trị: nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hoá của xã hội kia (hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc)”2. Do vậy, trong cải tạo xã hội cần kết hợp đồng bộ giữa 3 lĩnh vực kinh tế, chính trị với văn hóa; thực hành cách mạng trên lĩnh vực văn hóa không tách rời cuộc cách mạng trên lĩnh vực chính trị và kinh tế. Đề cương văn hóa chỉ rõ, cách mạng chính trị phải giành thắng lợi trước rồi cách mạng kinh tế và cách mạng văn hóa mới có điều kiện thực hiện thắng lợi, "phải hoàn thành cách mạng văn hoá mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội". Đó là một sự nghiệp vĩ đại, sâu sắc rất lâu dài và nhiều khó khăn, gian khổ.
Nhận rõ văn hóa luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của xã hội, Đảng đề ra Đề cương văn hóa và làm cho nó trở thành một vũ khí tư tưởng sắc bén chống lại những âm mưu văn hóa ngu dân và nô dịch của phát xít, thực dân, đánh bại những khuynh hướng văn hóa sai lầm, tác hại đến việc giành lại độc lập dân tộc và tiến lên xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam.
Thứ hai, Đề cương văn hóa xác định rõ những nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam có tính dân tộc, tính khoa học và tính đại chúng phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và là cơ sở để định hình bản sắc văn hóa Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đề cương văn hóa chủ trương xây dựng văn hóa mới Việt Nam (bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật), từ khả năng biến thành hiện thực: “văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới”3. Trong Đề cương văn hóa xác định rõ 3 nguyên tắc: “Dân tộc hóa”; “Đại chúng hóa”; “Khoa học hóa”, nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở nước ta trước đây cũng như yêu cầu của sự nghiệp đổi mới hiện nay, quyết tâm xây dựng nền văn hóa mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Xác định cần xây dựng nền văn hóa Việt Nam mang đậm tính dân tộc, dân tộc hóa, "Dân tộc hoá (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hoá Việt Nam phát triển độc lập)"4. Nền văn hóa Việt Nam được dân tộc hóa nhằm chấn hưng tinh thần dân tộc, chống tư tưởng tự ti dân tộc và miệt thị văn hóa dân tộc. Qua đó, không ngừng nâng cao lòng yêu nước, khí phách anh hùng, độc lập, tự chủ, quyết tâm bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Đó cũng là những phẩm chất cao quý của con người Việt Nam, trở thành những giá trị cốt lõi làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó, Đề cương văn hóa còn xác định rõ tính đại chúng hóa "Đại chúng hoá (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hoá phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng)"5. Văn hóa mới, văn hóa cách mạng hướng mọi sáng tạo nghệ thuật và hoạt động văn hóa vào phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần quần chúng nhân dân.
Tính khoa học trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam, làm cho văn hóa không ngừng được khoa học hóa "Khoa học hoá (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hoá trái khoa học, phản tiến bộ)"6. Tính khoa học hướng dẫn các hoạt động văn hóa mới Việt Nam biết kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những giá trị tốt đẹp trong các dòng văn hóa kim, cổ, đông, tây, có giá trị thúc đẩy tính tích cực trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
"Muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng văn hoá bảo thủ, chiết trung, lập dị, bị quan, thần bí, duy tâm,v.v... Nhưng đồng thời cũng phải chống xu hướng văn hoá quá trớn của bọn tộrốtkít"7.
Những định hướng cơ bản đó hợp thành cơ sở để định hướng quá trình đổi mới, làm cho văn hóa Việt Nam ngày càng hiện đại, vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, hội nhập và phát triển.
Thứ ba, Đề cương văn hóa luôn quán triệt tính Đảng sâu sắc,
Trên cơ sở nắm vững và vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng ta xác định đúng đắn những quan điểm, tư tưởng, nội dung, định hướng cơ bản để văn hóa Việt Nam có phương hướng hoạt động đúng đắn, góp phần tích cực thúc đẩy cách mạng tiến lên đấu tranh thắng lợi giành lại độc lập tự do cho dân tộc, ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Đề cương văn hóa đòi hỏi hoạt động văn hóa của nhân dân, của mỗi tổ chức và cá nhân cần quán triệt sâu sắc tính Đảng Cộng sản: “Tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam: văn hóa mới Việt Nam do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo chủ trương chưa phải là văn hóa xã hội chủ nghĩa hay văn hóa Xô viết (như văn hóa Liên Xô chẳng hạn)8; “phối hợp mật thiết phương pháp bí mật và công khai thống nhất mọi hoạt động văn hóa tiến bộ dưới quyền lãnh đạo của đảng vô sản mác-xít”9
Hiện nay, vấn đề xây dựng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn quán triệt sâu sắc nguyên tắc tính Đảng trong hoạt động văn hóa của mình. Thực hiện Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện mọi mặt đời sống xã hội. Giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động văn hóa ở các cấp, các ngành là điều kiện bảo đảm vững chắc sự gắn bó hữu cơ giữa định hướng chính trị và hoạt động văn hóa - xã hôi, xây dựng và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thực tiễn cách mạng đã chỉ ra rằng, cái gốc của đường lối văn hóa, văn nghệ chính là Đề cương về văn hóa Việt Nam. Từ gốc rễ đó, Đảng cộng sản Việt Nam suốt 80 năm qua đã luôn kiên trì lãnh đạo xây dựng và phát triển nền văn hóa nước ta theo ba nguyên tắc vận động: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa; luôn đặt văn hóa ngang hàng với chính trị và kinh tế, để từ đó phát triển và cụ thể hóa thành các tư tưởng về “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” (Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, tháng 7 năm1998), tư tưởng về “phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách của con người” (Nghị quyết số 33 tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, năm 2014). Không những thế, Đề cương văn hóa còn khai mở cho quá trình xây dựng lý luận văn hóa, tiếp tục soi đường cho nền văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới.
Đề cương văn hóa Việt Nam luôn có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Quan điểm mà Đảng ta đưa ra trong Đề cương văn hóa về cách nhìn nhận, cách hiểu văn hóa, về mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị và kinh tế, giữa văn hóa với cách mạng chính trị và cách mạng kinh tế, giờ đây vẫn đúng khi mà, trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta đã xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.
Sự ra đời của Đề cương văn hóa Việt Nam đã thực sự đem lại một bước tiến mới về chất so với phương pháp tiếp cận đương thời về văn hóa dân tộc. Thực tiễn cánh mạng Việt Nam, nhất là thành tựu của công cuộc đổi mới trong hơn 36 năm qua đã minh chứng rằng, những quan điểm của Đề cương vẫn còn giá trị định hướng cho phát triển văn hóa hôm nay.
(1). Trường Chinh, Tuyển tập, t. 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 559.
( 2). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, t. 7 (1940 - 1945), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 316.
(3). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, t. 7 (1940 - 1945), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 318.
( 4), (5), (6), (7),(8). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, t. 7 (1940 - 1945), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 319.
(9). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, t. 7 (1940 - 1945), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 321.