Tác giả bài viết: Bùi Phụ - Trưởng phòng QLĐT&NCKH
Tổ chức thực hiện quyết định và kiểm tra việc thực hiện quyết định là những giai đoạn tiếp theo của quá trình quản lý. Các giai đoạn này gồm những công việc như: truyền đạt quyết định; lập kế hoạch tổ chức; điều chỉnh quyết định; kiểm tra việc thực hiện quyết định và tổng kết tình hình thực hiện quyết định. Ở đây kiểm tra được hiểu là hình thức tác động có hướng đích nhằm quan sát cả hệ thống để phát hiện những sai lệch so với yêu cầu đề ra, tìm ra nguyên nhân và từ đó có những giải pháp phù hợp đảm bảo để đối tượng bị quản lý tự điều chỉnh hoạt động để đạt tới mục tiêu mà chủ thể quản lý đã xác định.
Việc tìm ra và áp dụng các giải pháp phù hợp phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thuộc về chất lượng và hiệu quả của hoạt động kiểm tra. Muốn cho công việc kiểm tra có kết quả, cần có những kế hoạch rõ ràng, làm căn cứ cung cấp những chỉ tiêu xác đáng cho việc kiểm tra; sắp xếp tổ chức khoa học, hợp lý nhằm xác định chính xác nhiệm vụ của từng bộ phận, cá nhân trong việc thực hiện kế hoạch. Cần tiến hành thường xuyên và kết hợp linh hoạt nhiều hình thức kiểm tra : kiểm tra lường trước, kiểm tra những điểm trọng yếu, kiểm tra trực tiếp, kiểm tra gián tiếp, kiểm tra định kỳ, kiểm tra bất thường, kiểm tra từ trên xuống, kiểm tra từ dưới lên...
Trong một phạm vi, chừng mực nhất định nào đó, hoạt động kiểm tra theo nghĩa thông thường có thể đưa lại những thông tin cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của việc tìm ra giải pháp phù hợp. Nhưng ở một cấp độ cao hơn của công tác quản lý Nhà nước, hoạt động kiểm tra theo nghĩa thông thường chưa đáp ứng được yêu cầu của việc tìm giải pháp phù hợp đó. Thực tiễn điều hành, quản lý nói chung và quản lý Nhà nước nói riêng đòi hỏi trong nhiều trường hợp phải có một phương thức kiểm tra khác với nghĩa kiểm tra thông thường. Phương thức kiểm tra này không chỉ dừng lại ở chỗ phát hiện sai lệch của đối tượng bị quản lý so với yêu cầu đề ra mà còn phải tìm ra những nguyên nhân chủ quan, khách quan của sự sai lệch đó. Nếu có yếu tố trách nhiệm thì đương nhiên phải chỉ rõ trách nhiệm đó thuộc về ai? tổ chức, cá nhân nào? Chính từ việc tìm nguyên nhân và quy trách nhiệm cùng những yếu tố khác đã làm nảy sinh những yêu cầu mới đối với chính hoạt động kiểm tra như phải thu thập và xử lý dữ liệu, số liệu nhiều hơn, phức tạp hơn; nhận xét và đánh gía, phân tích tổng hợp nguyên nhân; xử lý và kiến nghị xử lý các đối tượng sai phạm... loại hình kiểm tra như vậy hay nói cách khác phương thức chính là hoạt động thanh tra. Thực chất thanh tra là một phương thức của kiểm tra, là chức năng của quản lý, là công cụ của người lãnh đạo, người quản lý. Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, các cơ quan quản lý Nhà nước nhất thiết phải tiến hành hoạt động thanh tra đối với việc thực hiện các quyết định mà mình đã ban hành. Đó là một khâu không thể thiếu được trong quá trình hoạt động quản lý Nhà nước. Chính vì vậy thanh tra được xác định là chức năng thiết yếu của quản lý Nhà nước.
Để quyết định quản lý Nhà nước được các cơ quan, tổ chức và cá nhân chấp hành một cách chính xác, đầy đủ thì các cơ quan, cá nhân đã ban hành quyết định phải đề ra quy trình thực hiện quyết định. Trong quy trình đó không thể thiếu được hoạt động thanh tra, kiểm tra. Thanh tra, kiểm tra là để đánh giá, nhận xét tình hình và kết quả thực hiện quyết định quản lý; để kiểm nghiệm lại chính nội dung và chất lượng quản lý; khi cần thiết phải bổ sung, sửa đổi, thậm chí phải huỷ bỏ một phần hay toàn bộ quyết định quản lý.
Khi nội dung và chất lượng quyết định quản lý được thực tế kiểm nghiệm là đúng, là phù hợp, nhưng đối tượng thi hành vẫn không tuân thủ và không chấp hành nghiêm chỉnh thì khi đó hoạt động thanh tra, kiểm tra phải phục vụ cho việc làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, xác định rõ trách nhiệm thuộc khâu nào, thuộc ai để chấn chỉnh hoặc xử lý khi có vi phạm. Với ý nghĩa đó thanh tra thực chất đã góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước.
Với tư cách là một chức năng của quản lý Nhà nước, thanh tra chính là hoạt động xem xét việc làm của các cơ quan, tổ chức cá nhân có đúng chính sách, pháp luật hay không. Nếu họ làm sai hoặc làm chậm thì giúp họ sửa chữa và làm cho đúng. Mục đích của thanh tra là phát huy nhân tố tích cực, phòng ngừa xử lý những vi phạm, bảo đảm để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tuân thủ và chấp hành một cách chính xác, đầy đủ và nghiêm chỉnh pháp luật Nhà nước. Muốn có pháp chế cần phải làm cho mọi người hiểu biết pháp luật. Mặc dù công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật không phải là chức năng chính của thanh tra, nhưng thông qua hoạt động của mình, công tác thanh tra đã góp phần tích cực vào việc giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu đúng và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và đó cũng là một hoạt động bảo đảm tăng cường pháp chế.
Tuy nhiên, trong thực tế không ít trường hợp, mặc dù hiểu rõ pháp luật nhưng vẫn vi phạm pháp luật. Trong những trường hợp đó, yêu cầu khách quan đòi hỏi thanh tra phải có hình thức xử lý nghiêm khắc hơn, mạnh mẽ hơn. Xử lý mạnh mẽ, nghiêm khắc hơn là để cho đối tượng quản lý phải sửa chữa những vi phạm pháp luật và việc xử lý đó còn có tác dụng lâu dài đến đối tượng quản lý đó, cũng như mang tính chất răn đe đối với các đối tượng quản lý khác. Người này sửa chữa để người kia tránh và như thế rõ ràng càng làm cho pháp chế được tăng cường.
Vai trò của các cơ quan thanh tra trong việc đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa bằng các hình thức xử lý nghiêm khắc và mạnh mẽ đã được thể hiện ngay từ Sắc lệnh số 64/SL ngày 23/11/1945 thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Tại Sắc lệnh này quy định Ban thanh tra đặc biệt có toàn quyền “nhận các đơn khiếu nại của dân; điều tra, hội chứng, xem xét các tài liệu giấy tờ của UBND hoặc các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công việc giám sát; đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong UBND hay của Chính phủ đã phạm lỗi”.
Tuy nhiên, vai trò của công tác thanh tra không chỉ và không phải chủ yếu là phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật mà quan trọng hơn, thanh tra đóng vai trò như một biện pháp phòng ngừa hữu hiệu các vi phạm pháp luật. Tính phòng ngừa của thanh tra đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
Thanh tra không chỉ có chức năng bảo đảm pháp chế mà còn có chức năng tìm hiểu, giúp đỡ, định hướng cho các đối tượng thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Điều này sẽ càng trở nên quan trọng nếu chúng ta quan niệm về một Nhà nước làm dịch vụ công. Khi đó các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát sẽ thực sự trở thành một trong những địa chỉ mà các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công dân... trông cậy để có thể nhận được những khuyến nghị, những chỉ dẫn bảo đảm cho hoạt động của mình đúng pháp luật.
Thanh tra, kiểm tra, giám sát luôn luôn là cách thức phân tích, mổ xẻ một cách sâu sắc, đầy đủ nhất các nguyên nhân, động cơ, mục đích, tính chất, mức độ của một hành vi vi phạm. Do vậy các giải pháp (các khuyến nghị, kiến nghị, yêu cầu...) được đưa ra từ hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát không chỉ hướng vào việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật mà nó phát hiện được, mà còn có tác dụng khắc phục các kẽ hở của chính sách, pháp luật, ngăn ngừa tận gốc mầm mống phát sinh những vi phạm pháp luật tương tự xảy ra ở một nơi khác hoặc vào một thời điểm khác.
Thanh tra, kiểm tra, giám sát dù là loại hình nào cũng luôn luôn có tính định hướng và tính xây dựng. Vai trò phòng ngừa của thanh tra, kiểm tra, giám sát được đề cập ở đây là vai trò phòng ngừa mang tính chủ động. Trong rất nhiều trường hợp, qua thanh tra, kiểm tra, giám sát mà có thể dự báo được một hành vi vi phạm pháp luật sẽ xảy ra trong tương lai nếu không có sự chấn chỉnh, không có sự định hướng lại cho các đối tượng một cách kịp thời. Chính vì vậy thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước./.