Nguồn tin: CVC Nguyễn Thị Dung Phòng QLĐT&NCKH
Trong thời đại ngày nay, thông tin và việc khai thác hiệu quả thông tin đã trở thành một trong những nhân tố hàng đầu của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của bất kỳ quốc gia nào. Ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo, công tác thông tin, tư liệu nói chung và thông tin, tư liệu, thư viện nói riêng có vai trò quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc trong suốt quá trình giáo dục và đào tạo. Đối với Trường Chính trị tỉnh Kon Tum, công tác tư liệu, thư viện là một yếu tố căn bản và quan trọng không thể tách rời, nó là cầu nối giữa thông tin và người sử dụng (kể cả cán bộ, giảng viên và học viên), là thước đo góp phần đánh giá vai trò, chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đối với việc giảng dạy và học tập tại Trường.
I. Vai trò công tác tư liệu, thư viện đối với việc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Công tác tư liệu, thư viện là hoạt động khai trí góp phần hình thành nguồn nhân lực có tri thức cho quốc gia, tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động và phát triển sản xuất, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Bản thân Thư viện vốn là trung tâm thông tin - tư liệu, đây là địa chỉ đắc lực và tin cậy góp phần biến thông tin thành tri thức bằng cách liên kết các nguồn tài nguyên thông tin với nhau, đồng thời mở rộng khả năng đáp ứng nhu cầu tin của mọi đối tượng và chia sẻ nguồn lực thông tin một cách nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm cả thời gian và vật chất cho người sử dụng.
Tại nhà trường, hoạt động khai thác thông tin qua công tác tư liệu, thư viện đóng vai trò tích cực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Bởi hoạt động giảng dạy, học tập thực chất là một quá trình truyền đạt và tiếp nhận thông tin. Thông qua Thư viện để mở rộng điều kiện giảng dạy và học tập cho giảng viên, học viên cả về không gian và thời gian, cung cấp nhiều lĩnh vực tri thức phong phú và đa dạng hơn so với khuôn khổ qui định về nội dung, chương trình và kế hoạch đào tạo của nhà trường.
Đối với giảng viên, nếu việc nắm bắt, cập nhật được những thông tin mới được thường xuyên và vận dụng phù hợp với quá trình giảng dạy thì bài giảng sẽ sinh động, phong phú và đi sát với thực tế hơn. Chính vì vậy, để thực hiện tốt sứ mệnh của mình, giảng viên không thể không tra cứu đọc tài liệu, cập nhật và sử dụng thông tin tại Thư viện. Hơn nữa, Thư viện còn là địa chỉ lưu giữ, cung cấp và chia sẻ cho xã hội những thông tin khoa học có giá trị, đặc biệt là những thành quả có giá trị từ các công trình nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên trong trường, góp phần đắc lực tạo nguồn bổ sung cập nhật và chia sẻ những kiến thức mới làm cho việc học tập và giảng dạy thêm sinh động và hấp dẫn.
Đối với học viên, nếu việc tìm tài liệu, khai thác thông tin - tư liệu hiệu quả thì chất lượng học tập sẽ được nâng cao rõ rệt. Việc đào tạo, bồi dưỡng chỉ thực sự có chất lượng khi hoạt động học tập của học viên được thực hiện trong cả bốn môi trường: lớp học, thư viện, cơ sở thực nghiệm và môi trường thực tế. Trong đó, thư viện có vai trò quan trọng trong việc rèn luyện tính độc lập, sáng tạo của học viên. Người học phải học một cách thông minh hơn, chủ động hơn qua việc phân tích, tổng luận những tài liệu tra cứu được ở thư viện. Từ đó sẽ góp phần hữu hiệu trong việc khắc phục triệt để lối học thụ động và thay vào đó là khuyến khích việc tự học, tự nghiên cứu, kích thích tính chủ động tích cực học tập của học viên.
Có thể khẳng định rằng, vai trò công tác tư liệu, thư viện của nhà trường đóng góp không nhỏ để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng tri thức và hình thành kỹ năng cho con người.
II. Hoạt động công tác tư liệu, thư viện của Trường Chính trị tỉnh Kon Tum hiện nay - Một số vấn đề chủ yếu đặt ra và khuyến nghị
1. Một số vấn đề chủ yếu đặt ra
Hoạt động của công tác tư liệu, thư viện ở nhà trường những năm qua về cơ bản là đáp ứng đáng kể việc hiện thực hóa vai trò nêu trên (thông qua sự đầu tư trang bị cơ sở vật chất kho sách, phòng đọc; bổ sung tài liệu sách, báo, tạp chí,...), góp phần hỗ trợ tích cực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Bên cạnh đó, hiện nay Thư viện Trường vẫn còn gặp những hạn chế, bất cập nhất định.
Vai trò của Thư viện chưa phát huy hết tác dụng, một khiếm khuyết rất quan trọng của thư viện nhà trường hiện tại là chưa chú trọng đúng mức tới việc cung cấp thông tin để học viên hứng khởi, ham thích trong công việc nghiên cứu và học tập:
- Chưa triển khai được các hoạt động cung cấp thông tin chuyên sâu, thông tin chọn lọc. Hơn nữa, các loại tài liệu có tính chất nghiên cứu chuyên sâu như sách tra cứu, chuyên ngành… còn ít.
- Nguồn tư liệu của Thư viện chưa được khai thác triệt để, nhất là hiệu quả của việc khai thác tài liệu còn thấp.
- Nguồn lực thông tin chưa đầy đủ, chưa phong phú để bao quát các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn. Dẫn đến tồn tại này có nguyên nhân do kinh phí đầu tư mua tài liệu cấp cho Thư viện còn hạn hẹp.
- Các dịch vụ thông tin hiện đại thực hiện chưa đồng bộ, thiếu khoa học, thiếu sự tuyên truyền giới thiệu tích cực nên chưa lôi cuốn được bạn đọc tham gia.
- Ngoài ra, cán bộ thư viện của Trường hiện chưa được đào tạo bài bản về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thông tin - thư viện.
2. Một số khuyến nghị
- Một là, nhà trường cần có một kế hoạch cử cán bộ thư viện đi đào tạo, bồi dưỡng/ tập huấn không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn cả về tin học, ngoại ngữ bằng những khóa học ngắn hạn, dài hạn nhằm vừa phục vụ tốt hơn về nhu cầu thông tin tư liệu thư viện, vừa bổ sung kiến thức nghiệp vụ thông tin – thư viện. Bởi trong các yếu tố góp phần làm tăng chất lượng, hiệu quả của hoạt động quản lý và khai thác thông tin thư viện, yếu tố con người là hạt nhân quan trọng nhất và mang tính quyết định. Cán bộ thư viện là cầu nối giữa nguồn tài nguyên thông tin và người dùng tin.
Với vai trò đóng góp vào sự đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập tại trường, cán bộ thư viện phải chủ động giới thiệu, cung cấp nguồn thông tin phong phú, đa dạng. Đồng thời, cán bộ thư viện phải tạo môi trường thân thiện, thông thoáng, chuyên nghiệp không chỉ bằng khả năng chuyên môn, nghiệp vụ mà còn bằng khả năng giao tiếp tốt để cung cấp dịch vụ thông tin một cách hiệu quả nhất.
Cán bộ thư viện không thể chỉ bằng lòng là những người “thủ kho giữ tài liệu” với phương châm “ vui vẻ, hòa nhã, nhiệt tình” mà còn phải là những “ hoa tiêu” trong ”đại dương” thông tin; năng động, thạo nghề, có trình độ tin học để chỉ ra những tài liệu độc giả cần một cách nhanh nhất, chính xác nhất. Bên cạnh đó, cán bộ thư viện phải luôn có ý thức trách nhiệm động viên, nuôi dưỡng thói quen và sự hứng thú đọc sách cho học viên.Từ đó, học viên hình thành thói quen học tập chủ động, sáng tạo hơn... đặc biệt là các lớp Trung cấp lý luận chính trị, hệ tập trung mở tại Trường.
- Hai là, cần chú trọng xây dựng và thiết lập mối quan hệ gắn bó giữa Thư viện với cán bộ, giảng viên. Hoạt động này bao gồm:
Liên hệ với cán bộ, giảng viên các khoa một cách thường kỳ để kịp thời nắm bắt nhu cầu, sự thay đổi về nguồn tài liệu, trao đổi về những nguồn tư liệu mới, bao gồm: danh mục sách mới, thông tin về cách thức đặt sách, nội dung cơ sở dữ liệu. Trên cơ sở đó, phát triển bộ sưu tập và dịch vụ thư viện, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy và học tập.
Thăm dò, khảo sát nhu cầu tin là một việc làm cần thiết để thư viện nắm bắt và đáp ứng kịp thời nhu cầu của bạn đọc. Việc thỏa mãn các yêu cầu thông tin chính là một hoạt động để phát triển thư viện, nâng cao vai trò của thư viện cũng như tạo mối quan hệ mật thiết giữa bạn đọc với thư viện.
Cung cấp cho người đọc những thông tin cần thiết như hệ thống biên mục gồm: giới thiệu sách, tài liệu mới, bài báo chuyên đề đính kèm tóm tắt, các hoạt động của Thư viện...
- Ba là, cần đầu tư kinh phí thích đáng cho hoạt động Thư viện (có thể định mức tăng bình quân năm sau cao hơn năm trước 10% kinh phí) để bổ sung, cập nhật tài liệu sách báo mới làm phong phú tính đa dạng vốn tài liệu về khoa học xã hội nhân văn cho Thư viện./.